89,9% hài lòng về phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế

Thứ ba - 04/07/2017 03:45
89,9% hài lòng về phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế

89,9% hài lòng về phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế

Báo cáo của bộ Y tế gửi ĐBQH về trả lời chất vấn kỳ họp thứ 3 cho biết, năm 2016 có 89,9% số người được hỏi hài lòng về phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế.

Theo nội dung trong báo cáo của bộ Y tế gửi các đại biểu Quốc hội, kết quả đo lường sự hài lòng của người bệnh tại 22 bệnh viện về việc triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” năm 2016 cho thấy: 89,9% số người được hỏi hài lòng về phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (phải ảnh) trò chuyện với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Đánh giá hoạt động khám, chữa bệnh nhìn từ góc độ của người dân, qua kết quả khảo sát chỉ số PAPI do UNDP công bố ngày 4/4/2017 cho thấy “người bệnh đã đánh giá khá tích cực về dịch vụ y tế công, đặc biệt trong lĩnh vực khám, chữa bệnh”.

Cụ thể: Nhận thức của người dân về y tế công lập cải thiện rõ rệt do số lượng người có bảo hiểm y tế tăng từ 62% năm 2015 lên 73% năm 2016; Chất lượng chăm sóc sức khỏe miễn phí cho trẻ em tăng mạnh: 32% người được khảo sát cho biết dịch vụ dành cho trẻ em dưới 6 tuổi “rất tốt”, cao hơn so với tỉ lệ 23% năm 2015.

Đây là một trong những kết quả đạt được của ngành y tế thời gian qua. Báo cáo cũng nêu một số kết quả khác như: Hiện tượng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên đã giảm đáng kể; giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ tuyến dưới lên tuyến trên; triển khai nhiều phương pháp cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ Khám chữa bệnh được hướng dẫn triển khai có hiệu quả…

Tuy nhiên, báo cáo cũng thẳng thắn chỉ rõ: Hiện tượng quá tải bệnh viện vẫn còn xảy ra ở một số chuyên khoa Ung bướu, Tim mạch, Nhi khoa, Chấn thương,… Trong một số cơ sở khám chữa bệnh tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối vẫn còn hiện tượng quá tải, như: Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Ung bướu và bệnh viện Nhi Đồng của thành phố Hồ Chí Minh...

Báo cáo chỉ ra vẫn còn có nhân viên y tế chưa thực sự tận tình và trách nhiệm đối với người bệnh. Tai biến y khoa xảy ra rải rác tại các bệnh viện cả tuyến dưới và tuyến trên; thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh nói chung và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vẫn còn phiền hà...

Liên quan đến vấn đề quản lý Nhà nước về giá thuốc, cung ứng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, bên cạnh những kết quả tích cực rõ rệt thì báo cáo cũng thẳng thắn thừa nhận “còn có sự chênh lệch giá trúng thầu của một số mặt hàng thuốc”.

Cụ thể, hiện tại trên cả nước có 56 tỉnh, thành phố tổ chức đấu thầu tập trung cấp địa phương và 44 bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế tổ chức đấu thầu vào thời điểm khác nhau, điều kiện giao hàng, khoảng cách địa lý, số lượng mua sắm khác nhau… nên có một số trường hợp giá thuốc trúng thầu khác nhau giữa các cơ sở y tế.

Liên quan đến nhóm vấn đề y tế được lựa chọn chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 và việc Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ đăng đàn trả lời chất vấn hôm nay, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết: “Tôi sẽ chất vấn Bộ trưởng bộ Y tế về trách nhiệm trong quản lý giá thuốc. Phải nói là mỗi nơi mỗi giá, cùng chủng loại nhưng giá thuốc khác nhau, nơi niêm yết, nơi không. Bệnh nhân và người dân không có thời gian và cũng không biết, bán giá bao nhiêu phải trả tiền bấy nhiêu. Người dân không có quyền trả giá. Ngay cả vấn đề chạy thận ở Hòa Bình, tôi chắc chắn nhiều ĐBQH cũng sẽ chất vấn về trách nhiệm của Bộ trưởng Y tế”.

Còn ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) quan tâm đặc biệt đến việc trục lợi bảo hiểm y tế và cho biết, bà sẽ chất vấn Bộ trưởng bộ Y tế về vấn đề này.

“Trục lợi bảo hiểm y tế đúng là đáng trách, nhưng bản thân Quỹ bảo hiểm y tế quản lý như thế nào? bảo hiểm y tế cứ lấy quyền của mình thích thì thanh toán, không thì cắt. Đó là rào cản cho phát triển y tế. Chưa kể, cứ cắt xén, thuốc này, thuốc kia, người bệnh sẽ thấy bảo hiểm không còn ý nghĩa. Như thế sẽ càng khó để kêu gọi toàn dân mua bảo hiểm y tế. Nếu toàn dân không mua, quỹ bảo hiểm y tế càng có nguy cơ bị vỡ”, vị ĐBQH bày tỏ quan điểm.

Dương Thu

Nguồn tin: www.nguoiduatin.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây